Cạnh tranh trên thương trường, trong tổ chức, trong công ty, trong trường học… là điều chúng mình thường gặp. Không có cạnh tranh, sẽ không có phát triển. Không có áp lực, sẽ không có kim cương. Quan trọng là, mình sẽ phản ứng như thế nào với đối thủ, người cạnh tranh với mình?
Mình sẽ ấm ức, khó chịu, tức giận, hậm hực, thậm chí mất ngủ vì những việc họ làm khiến cho mình cảm thấy họ đang cản trở sự thành công của mình ư? Hay mình sẽ nói xấu họ, hạ thấp họ và làm ngược lại những điều họ gây ra cho mình?
Yes, mình sẽ làm như vậy ở phiên bản cũ khi để cái tôi và cảm xúc lấn át. Mình sẽ thỏa mãn cái tôi cùng những cơn xả giận ngay tức thời để cảm thấy hả hê và tự an ủi. Mình tìm lỗi của họ, nghĩ cách làm họ mất mặt. Và rồi mình nhận ra, làm như vậy mình sử dụng tâm trí và hành động quá nhiều vào những thứ không tạo giá trị, vô hình chung, mình đang thu hút nguồn năng lượng thấp, tiêu cực vì luôn ở trong trạng thái ghen ghét, hậm hực và muốn trả đũa. Mình không thấy cần phải làm như vậy nữa.

Mình bắt đầu thay đổi thái độ và cách phản ứng với đối thủ. Mình học được rằng tích cực đối diện với đối thủ, học hỏi ở họ, nhân rộng sức mạnh của bản thân, mình mới có thể tiến bộ và không ngừng thành công.
1. ĐỐI THỦ MẠNH HƠN MÌNH – THÌ ĐÃ SAO?
Mình không sinh ra để chiến thắng 100%. Mình không phải tìm mọi cách để lấp đầy sự hiếu thắng của bản thân. Mình hiểu rõ, núi cao còn có núi cao hơn. Có thể lúc nào đó, mình thất bại bởi 1 đối thủ xứng tầm dù mình đã nỗ lực và phấn đấu hết sức. Thì đã sao? Một lần chưa thành công đó, mình có học được gì không? Chẳng phải qua đó, mình biết khiêm nhường hơn, chịu khó trau dồi nhiều hơn, mở rộng tầm mắt của mình hơn, rèn rũa lại và chuẩn bị lên một tầm cao mới? Nghĩ như vậy, thì sự chiến thắng của đối thủ chính là động lực giúp mình tiến bộ hơn và trở thành phiên bản tốt hơn trong những lần sau đó.
Ví dụ như tham gia một giải chạy bộ. Mình đã luyện tập suốt cả năm, chỉ để tham gia giải đó và muốn giành chiến thắng. Ngày giải diễn ra, vẫn có người chạy tốt hơn mình, sức bền họ có, kỹ thuật họ có, sự luyện tập đều đặn họ có! Và có khi chỉ là họ may mắn hơn! Thì cuối cùng, mình vẫn thừa nhận họ giỏi và mình học thêm ở họ sự tự tin khi thi đấu, cách luyện nhịp tim… Ít nhất, mình sẽ tốt hơn mình của cuộc thi trước đó!
2. ĐỐI THỦ NHƯ NGƯỜI GIÁM SÁT – GIÚP MÌNH LUÔN PHẢI LÀM ĐÚNG.
Ở nhiều doanh nghiệp, mô hình tổ chức quản lý kiểm tra chéo và ngành ngang nhiều hơn ngành dọc tạo ra rất nhiều những mối quan hệ đối lập. Họ giám sát nhau với mục đích không để kẽ hở và rủi ro xảy ra. Mình cũng từng làm việc trong những thời kỳ như vậy. Phải công nhận rằng, mình luôn không cho phép mình được chủ quan và làm nhầm lẫn ở bất cứ bước đơn giản nào. Mình luôn kiểm tra kỹ và rất thận trọng khi thực hiện công việc. Vì mình biết chắc chắn, luôn có người giám sát và sẵn sàng tìm ra lỗi sai trong cách vận hành của mình.
Cũng có những người không ưa mình, họ thích cảm giác thấy mình bị khiển trách từ cấp trên. Mình lúc nào cũng có người theo dõi xem đang làm như thế nào, thậm chí còn thúc giục mình xem mình có đủ năng lực làm không. Quả thực, điều này giúp mình không được thờ ơ, không được xao nhãng công việc. Mình luôn muốn tiến về phía trước và tạo thêm giá trị cho công việc đang làm cũng như lợi ích của tổ chức. Đâu đó, đây là một điểm tốt mình cần ghi nhận với đối thủ.

3. ĐỐI THỦ KHÔNG HỀ TỆ NHƯ MÌNH NGHĨ. HỌ CÓ RẤT NHIỀU ĐIỂM ĐÁNG HỌC HỎI.
Đã gọi là đối thủ – tức là họ cũng xấp xỉ, ngang bằng hay thậm chí nhỉnh hơn mình. Cũng có thể, họ và mình cùng tầng mây, cùng mục tiêu và cùng dấn thân vào một con đường. Nhìn kỹ, họ cũng chính là tấm gương phản chiếu bản thân mình. Thứ mình đang ganh tỵ với họ, liệu chăng có phải thứ mà mình đang cần nhưng mình chưa có?
Khi thay đổi góc nhìn, lùi lại và công nhận đối thủ một cách khách quan, mình phát hiện ra họ thực sự có những năng lực tốt đáng cho mình học tập. Có người giỏi hơn mình trong khả năng phản biên, có người xuất sắc hơn mình do có lợi thế về quan hệ, có người vượt trội hơn trong kỹ năng đàm phán… Mình bắt đầu quan sát, tìm hiểu cách thức của họ và học hỏi, biến thành kỹ năng của mình. Tất nhiên, có nhiều thứ tốt của họ, nhưng không cùng giá trị với mình – mình sẽ không dung nạp. Dần dần, mình nhận ra, mình đang phát triển và tang tốc về phía trước vì mình chịu lùi lại một chút và học hỏi, thay vì tranh cãi hay đấu đá.
4. ĐỐI THỦ LỚN NHẤT CỦA MÌNH – CHÍNH LÀ MÌNH CỦA NGÀY HÔM QUA.
Mình chỉ cần tiến bộ hơn chính mình của ngày hôm qua, dù là 1%, dù là 1 kỹ năng hay kiến thức nào đó. Nhận ra đây mới là mục tiêu mình cần theo đuổi mỗi ngày, mình đã thay đổi khái niệm “Đối Thủ” thành “Đối Tác”.
Từ đây, mình chỉ tập trung vào bản thân, nhìn thẳng và nâng cấp bản thân ở góc độ kiến thức, kỹ năng và quản trị cảm xúc. Mình tập luyện mỗi ngày để khỏe hơn, đẹp hơn với mình của ngày hôm qua, không phải với cô bạn cùng phòng tập. Mình đọc sách nhiều hơn để có kiến thức, có hiểu biết, chứ không để so sánh giá sách nhà mình to hơn nhà bên.
Có đối thủ, có cạnh tranh, mình sẽ thấy sự năng động của thị trường, biết mình đang ở đâu và cần cố gắng thêm gì.
Không có đối thủ, mình sẽ lấy kỷ luật để đưa bản thân vào khuôn khổ và gọt rũa cho sản phẩm của mẹ mình tạo ra được hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Và sau tất cả, đối thủ chính là người đồng hành, là món quà giúp chúng ta trở thành phiên bản tuyệt vời hơn.